Du học sinh khi mới sang Mỹ chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn vì sự khác lạ trong văn hóa. Đây là bài viết của một du học sinh Việt Nam, người đã từng trải qua 80% những điều này trong suốt thời gian ở Mỹ. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt lại chính là rắc rối mà đa phần du học sinh đều gặp phải.
Đôi khi bạn cảm thấy phải đối đầu với hàng tá những khó khăn khi du học Mỹ mà không có điểm dừng và không biết cách nào để xóa bỏ chúng. Nhưng những điều này sẽ nhanh chóng biến mất khi bạn dần quen với cuộc sống và văn hóa Mỹ. Nào, nếu bạn chuẩn bị lên đường sang Mỹ, cùng USIS Education xem qua bài viết này, để chuẩn bị tinh thần trước nhe!
1. Tập Quen Với Cách Ghi Ngày Tháng Của Người Mỹ
Ở nơi tôi sống ngày tháng được viết theo kiểu ngày/tháng/năm, nhưng ở Mỹ người ta lại ghi theo thứ tự tháng/ngày/năm. Bạn thử tưởng tượng xem tôi đã bị nhẫm lẫn nhiều như thế nào trong năm đầu tiên đến Mỹ học tập. Sẽ dễ hiểu hơn và không bị nhầm lẫn trong những trường hợp người ta ghi là 06/25/2011 vì chúng ta thừa biết tháng 25 không hề tồn tại! Trong trường hợp ngày 12 hoặc nhỏ hơn tôi luôn bị nhầm. Ví dụ, 10/08/2012, tôi luôn cho đó là ngày 10 tháng 8 năm 2012 một cách vô thức, rồi mất vài phút sau tôi mới nhận ra sự nhầm lẫn đó.
2. Tập Quen Với Hệ Thống Đo Lường Của Người Mỹ
Cũng khá tương tự như trên, ở đất nước tôi thường sử dụng đơn vị đo lường mét, ki lô mét để đo chiều cao và khoảng cách, còn gam hay ki lô gam thì đo trọng lượng, và nhiệt độ thì được tính bằng độ C. Còn ở Mỹ họ dùng miles, inch, feet, pounds và độ F! Vì đã quen việc sử dụng đơn vị đo theo kiểu Việt Nam nên thật rắc rối khi tôi luôn phải đổi từ những đơn vị đo lường thường dùng sang kiểu của người Mỹ như câu chuyện buồn cười của tôi dưới đây.
- Bạn: Bạn cao bao nhiêu?
- Tôi: ummm…4 feet, 5 feet? Thôi bạn muốn tôi cao bao nhiêu cũng được
- Bạn: Hôm nay ở bên mình đang là 37 độ F đó! (tức 3oC)
- Tôi: Oh trời ở chỗ ấy chắc nắng đẹp lắm ha!
- Ôi câu chuyện đời tôi!
3. Chuyển Đổi Từ Đô La Mỹ Sang Việt Nam Đồng Và Ngược Lại
Trong suốt năm đầu ở Mỹ, mỗi khi muốn mua gì và cân nhắc xem nó có quá đắt hay không, tôi luôn phải đổi sang tiền Việt Nam xem cho dễ hiểu. Ôi đôi lúc cũng khá đau đầu vì lạm phát nữa! Cũng may sau đó tôi bắt đầu quen sử dụng đô la Mỹ khá nhanh mà không cần phải tính toán, đổi chác nữa!
4. Những Người Nghĩ Rằng Bạn Không Nói Được Tí Tiếng Anh Nào Cả!
Đừng ngạc nhiên vì có những người bản địa luôn cho rằng sinh viên quốc tế hầu như không nói được chút tiếng Anh nào. Hãy cố cư xử với họ thật tốt, tỏ ra là một người ân cần, tử tế. Họ sẽ nói tiếng Anh thật chậm, nhất là những từ phức tạp họ sẽ đánh vần ra luôn để cho bạn dễ hiểu.
5. Những Người Cho Rằng Bạn Hiểu Tất Tần Tật Thành Ngữ Và Tiếng Lóng!
Trái ngược hẳn với cái điều ở trên, thay vì nghĩ rằng bạn không biết tiếng Anh, cũng có những người cho rằng chúng ta giỏi Anh ngữ “ghê gớm”! Vì thế, họ luôn nói thật nhanh, câu cú thì phức tạp, thành ngữ, tiếng lóng loạn xà ngầu và còn muốn bạn phải hiểu và trả lời theo cách thật “chuyên nghiệp” như họ nữa chứ!
6. Nghĩ Bằng Ngôn Ngữ Mẹ Đẻ Trước Khi “Dịch”Chúng Sang Tiếng Anh
Khi mới học tiếng anh, mỗi khi nghe ai đó nói, tôi nhẩm dịch điều đó sang tiếng Việt trong đầu rồi suy nghĩ một câu trả lời bằng tiếng Việt, cuối cùng mới dịch sang tiếng Anh để trả lời. Hầu hết mọi người khi mới học tiếng đều mắc phải tình trạng này. Vì vậy sinh viên quốc tế rất khó khăn khi phải đối đáp, trả lời bằng ngoại ngữ ngay lập tức. Chúng ta cần thời gian để hiểu những gì người ta nói bằng ngôn ngữ của mình trước khi trả lời lại bằng tiếng Anh. Hãy cố gắng thực hành nhiều hơn để mau tiếng bộ và mất ít thời gian hơn khi phản ứng trước một tình huống. Dần dần, bạn sẽ tư duy và phản xạ bằng tiếng Anh hoàn toàn luôn.
7. Hướng Dẫn Mọi Người Phát Âm Đúng Tên Của Bạn
Đây quả thật là một khó khăn khi du học Mỹ đối với những người bản xứ vì tên chúng ta thường dài và khó phát âm (nhất là khi chúng ta sử dụng luôn tên tiếng Việt). Tôi tên Huế, người nước ngoài thường phát âm là “hu-ay” thay vì nói luôn là Huế theo cách của chúng ta. Mặc dù so với những tên tiếng việt khác, tên tôi cũng khá là đơn giản, chỉ có 3 từ và một âm tiết nhưng không phải ai cũng có thể lặp lại một cách chính xác khi tôi lần đầu giới thiệu về bản thân mình. Sau đó tôi phát hiện ra trong tên tôi có dấu sắc nữa (dấu này phát âm trong tiếng anh thế nào bây giờ?). Cuối cùng tôi chỉ còn cách lặp lại tên mình liên tục nhiều lần để hy vọng mọi người sẽ phát âm đúng tên của tôi.
Tôi cũng muốn chia sẻ rằng tôi rất tự hào về tên mình vì nó là duy nhất, đặc biệt nhất và làm cho mọi người nhớ về tôi. Hãy tự hào về tên của mình các bạn nhé, đừng ngại khi phải lặp lại nhiều lần mọi người nói đúng tên chúng ta, vì có ai muốn người khác nói sai tên mình đâu nhỉ!
8. Những Định Kiến Dành Cho Du Học Sinh
Cho dù đến từ đâu chăng nữa, bạn không thể tránh khỏi những định kiến mà người ta đã dành cho du học sinh. Từ kỹ năng tiếng anh, ngành học, những món bạn ăn hay thậm chí là tính cách của bạn. (Họ thường cho rằng cơm là món không thể thiếu trong bữa ăn của người châu Á; rằng tại sao bạn trông giống người Trung Quốc thế; rằng vì sao họ của bạn không phải là Nguyễn, Trần, Wang, Li, Kim, Satos, Suzuki; rằng ba mẹ bạn có phải là những người nghiêm khắc và bảo thủ?!) Bạn cảm thấy khó chịu và muốn phớt lờ mọi thứ, nhưng hãy nhớ rằng mình có quyền lên tiếng và cho họ biết rằng đấy là những định kiến sai lầm và gây khó chịu cho sinh viên quốc tế chúng ta.
9. Cảm Giác Cô Đơn Khi Không Ở Bên Cạnh Gia Đình Và Bạn Bè
Với tôi, có lẽ đây là chuyện khó khăn nhất trong năm đầu tiên, mặc dù họ hàng ở Mỹ vẫn luôn giúp đỡ mỗi khi tôi cần. Tôi thấy lạc lõng khi không có ba mẹ bên cạnh, những người bạn thân ở Việt Nam cũng không dễ dàng gặp gỡ, tôi chỉ có thể liên lạc qua điện thoại hoặc chat Skype. Đây cũng là thách thức lớn nhất khi lần đầu tiên sống trong môi trường mới, nền văn hóa mới, cách sống mới mà không có ai gần gũi giúp đỡ. Vì quá cô đơn và nhớ nhà nên tôi đã cố gắng tìm cách làm quen với những điều khác lạ xung quanh mình. Thông qua những trải nghiệm đó, tôi học được cách sống độc lập hơn và biết trân trọng những khỏang thời gian ngắn được về thăm gia đình và bạn bè.
10. Thuê Một Căn Hộ Và Lắp Đặt Các Tiện Nghi
Nếu bạn ở ký túc xá hoặc nơi có sẵn tiện nghi rồi khì khỏi phải bàn. Còn nếu không, việc thuê căn hộ có thể không dễ dàng chút nào nhất là khi bạn chưa có Số An Sinh Xã Hội (Social Security Number – SSN) và điểm số tín dụng tốt. Bạn có thể phải đóng trước một đến hai tháng tiền cọc trước khi chuyển đến và lắp đặt các tiện nghi trong nhà như điện, nước, gas. Trường hợp đã có SSN và điểm tín dụng tốt thì chỉ cần gọi điện cho các công ty lắp đặt, mọi thứ sẽ được hoàn tất một cách nhanh chóng. Nếu không, bạn phải trả tiền cọc trước, và còn phải thường xuyên ghé qua những công ty này để xác minh nữa.
11. Cảm Giác Mệt Mỏi Sau Những Chuyến Bay Dài
Khi phải di chuyển trên máy bay quá lâu, dĩ nhiên chúng ta không tránh khỏi bị “jet lag”. Thời gian nghỉ hè hay nghỉ đông về Việt Nam, tôi thường xuyên đối mặt với hiện tượng “jet lag” trong suốt tuần đầu đi học lại. Trong những ngày đó, 6-7 giờ chiều là tôi đã đi ngủ, có khi còn sớm hơn, bỏ ăn tối, thức dậy vào 3-4 giờ sáng. Có những người rất nhanh chóng và dễ dàng vượt qua jet lag , đặt biệt là những ai thường xuyên di chuyển bằng máy bay, nhưng đối với tôi, mất đến 5-6 ngày để làm quen lại với cuộc sống thường nhật.
12. Sự Khác Biệt Múi Giờ
Gần giống với hiện tượng “jet lag”, do múi giờ ở Việt Nam và Mỹ cách nhau đến nửa vòng trái đất, du học sinh thường phải thức thật khuya hoặc dậy thật sớm để chọn thời gian thích hợp nhất cho việc gọi điện thoại về nhà.
Việc này cũng không quá tồi tệ vì đôi khi thức sớm một chút để gọi về cho ba mẹ và những người yêu thương thì cũng không thành vấn đề, bạn nhỉ?
13. Độ Tuổi Uống Rượu Hợp Pháp Tại Mỹ
Tùy từng quốc gia khác nhau, quy định về độ tuổi sử dụng đồ uống có cồn cũng khác nhau. Phần lớn các nước đều quy định độ tuổi uống rượu hợp pháp từ 18 tuổi trở lên hoặc không có giới hạn nào về tuổi như Việt Nam, Armenia, Campuchia, Nga, Na Uy, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Cộng hòa Séc và Bulgaria. Thế nhưng ở Mỹ, người 21 tuổi trở lên mới được sử dụng rượu. Vì vậy cho dù bạn đã trên 18 tuổi và có thể sử dụng rượu hợp pháp ở quê nhà, bạn vẫn chưa được phép mua và uống rượu ở Mỹ đâu!
14. Luôn Mang Theo Hộ Chiếu Bất Kể Bạn Đi Đâu
…và sẽ làm mất nó vào một ngày “đẹp trời” nào đó! Trước khi có bằng lái xe, vì nhiều nơi không chấp nhận thẻ sinh viên nên tôi luôn phải mang theo hộ chiếu vì đó là giấy tờ tùy thân duy nhất. Tôi luôn lo sợ mình sẽ làm mất hộ chiếu và không bao giờ có thể quay trở về nhà được nữa! Thế nên khi đã có bằng lái, tôi an tâm hơn rất nhiều, vì bây giờ chỉ cần mang nó theo bên mình là đủ.
15. Khẩu Phần Ăn Cỡ “Bự”
Một phần ăn của người Mỹ thông thường “bự” hơn vài lần so với khẩu phần ở Việt Nam. Tôi nhớ khi đến một nhà hàng Việt tại quận Cam cùng vài người thân, tôi đã thật sự kinh ngạc khi người phục vụ mang ra một bát phở to đùng, ước chừng phải bằng 10-12 bát phở chúng ta thường ăn ở Việt Nam! Cho đến khi trở về Việt Nam, tôi ăn cùng lúc đến 7-8 bát phở (!) Thế nên ở Mỹ chúng ta thường thấy mọi người chia sẻ phần ăn cho nhau và đem về thức ăn thừa. Theo tôi thì một khẩu phần ăn lớn cũng… không có gì là xấu cả. Nhưng nhớ điều chỉnh tốc độ ăn của mình, và có thể yêu cầu bỏ hộp mang về nếu không còn có thể ăn được nữa.
16. Tìm Kiếm Những Món Ăn Việt Nam
Tôi chắc bạn sẽ luôn thèm món Việt Nam, nhưng không phải dễ dàng tìm được những nhà hàng bán thức ăn địa phương gần nơi bạn sống. Đôi khi tôi phải lái xe hơn một giờ đồng hồ để tìm ra một nhà hàng Việt. Nhưng không phải lúc nào những nơi tìm được cũng mang đến hương vị đáng mong đợi. Hãy nhớ rằng dù là họ bán thực ăn Việt, thì bạn vẫn đang ở nước ngoài, đừng quá thất vọng khi hương vị không thật sự giống với món ăn mẹ vẫn nấu, bạn nhé!
17. Học Phí Bạn Phải Đóng Cao Hơn So Với Những Người Bạn Mỹ
Hầu hết sinh viên quốc tế đều phải đóng mức học phí cao hơn sinh viên bản xứ, đôi lúc có thể là gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba học phí của sinh viên bản xứ, trừ phi bạn nhận học bổng. Cơ hội để nhận gòi hỗ trợ tài chính của trường cũng không phải dễ dàng chi. Thế nên đừng ngạc nhiên khi học phí của bạn có khi gần 60.000$ mỗi năm trong khi những người bạn Mỹ chỉ phải đóng khoảng 20.000$.
18. Hiểu Rõ CPT, OPT Và Visa H-1B
Nếu bạn muốn tìm việc thực tập hoặc một công việc có trả lương tại Mỹ, bạn cần phải hiểu rõ thế nào là chương trình CPT, OPT và visa H-1B. Những chương trình kể trên đều yêu cầu bạn phải nộp đơn xin để được phép làm việc hợp pháp. CPT là loại hình dễ xin nhất vì là thực tập nằm trong chương trình học của trường. OPT dành cho du học sinh đã tốt nghiệp có 1 năm làm việc ở Mỹ (sinh viên ngành STEM thì được phép ở tối đa 3 năm). Còn nếu bạn muốn ở lại làm việc một cách chính thức và lâu dài hơn, thì hãy nộp đơn xin visa H-1B – tất nhiên để xin visa này không phải là điều dễ dàng, trước hết bạn phải tìm được một công ty sẵn sàng bảo lãnh cho bạn ở lại làm việc, sau đó trải qua nhiều vòng xét hồ sơ, phải chờ đợi mà còn tùy vào hên xui may rủi!
19. Bạn Nghĩ Sao Về Việt Kết Hôn Với Một Công Dân Mỹ?
Đôi khi, bạn thực sự cân nhắc việc kết hôn với một công dân Mỹ để được ở lại hợp pháp, đặc biệt là những ai thích sống và làm việc ở đây hơn là sẽ trở lại quê nhà.
20. Không Biết Nơi Nào Mới Là “Nhà”
Sau 6 năm sinh sống và học tập ở Mỹ, tôi không chắc chắn lắm việc mình muốn ở lại Mỹ hay trở về Việt Nam, vì mỗi nơi đều có ưu và nhược điểm riêng. Nếu bạn chỉ mới du học Mỹ trong vòng 2 năm trở lại, “nhà” thường sẽ là đất nước của bạn, bởi vì mọi thứ ở Mỹ vẫn còn mới mẻ. Tuy nhiên, khi đã dần quen thuộc với cuộc sống mới ở Mỹ thì mọi thứ lại hoàn toàn khác. Lúc này có thể bạn cũng không biết là mình muốn về hay ở lại nữa.
21. Chen Vào Từ Tiếng Anh Vào Khi Đang Nói Tiếng Mẹ Đẻ
Khi đã quen dùng ngoại ngữ thường xuyên, bạn có xu hướng sẽ chen vài từ tiếng anh vào trong khi đang đối thoại bằng tiếng mẹ đẻ, đặc biệt là lúc bạn bỗng dưng quên từ hay muốn nói điều gì đó nhanh hơn. Nói chuyện với bạn bè mà như thế thì cũng không sao. Nhưng nếu bạn quá lạm dụng, ngôn ngữ loạn xạ ngay khi đối thoại với ông bà cha mẹ, thì có thể bạn sẽ phải chịu một trận la mắng và nghe giảng đạo về việc làm sao để nói đúng ngôn ngữ mẹ đẻ đó!
22. Quay Về Việt Nam Sau Khi Khóa Học Kết Thúc.
Không cần biết đã vui vẻ thế nào, trải nghiệm những điều tuyệt vời gì, cuối cùng bạn có thể phải rời Mỹ để trở về nhà ngay khi khóa học kết thúc dù muốn hoặc không ( trừ trường hợp bạn có được visa H-1B hoặc thẻ xanh để ở lại Mỹ một cách hợp pháp). Bạn sẽ phải nói lời tạm biệt với bạn học, người quen, những điều dường như trở nên quá thân thuộc với mình. Mọi thứ đều có một sự khởi đầu và một sự kết thúc đúng không nào!
Đôi khi bạn sẽ cảm thấy mình trải qua quá nhiều khó khăn mỗi ngày, và thực sự không biết làm sao để vượt qua chúng. Bạn ơi hãy nhớ rằng, bạn không một mình đâu! Tôi cũng thế, và tôi biết tất cả các du học sinh khác, dù đến từ bất kì nơi đâu trên thế giới, cũng đều cảm thấy như vậy mỗi ngày! Vì vậy hãy can đảm lên và đối mặt với chúng. Hãy tìm sự hỗ trợ từ những người thân quen nhất, tâm sự cùng gia đình, bè bạn, giáo sư, tư vấn viên ở trường. Dù mọi thứ có khó khăn đến đâu chăng nữa, tôi tin bạn sẽ vượt qua được!